Việt Nam có khoảng 3.200 km bờ biển trải dài dọc đất nước, có hệ thống sông ngòi dày đặc với khoảng 108 lưu vực sông.
Dọc bờ biển, cứ khoảng 23 km có một cửa sông và theo thống kê có 112 cửa sông thông với biển tạo nên tương tác sông- biển.
Tại khu vực đồng bằng ven biển thường chịu tác động của xâm nhập mặn với mức độ khác nhau. Đối với đồng bằng ven biển miền Bắc
và miền Trung, đa phần các sông có độ dốc lớn nên tác động của xâm nhập mặn không quá nghiêm trọng.
Đối với các đồng bằng phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do độ dốc lòng sông nhỏ, tác động của xâm nhập mặn
khá nghiêm trọng, tùy vào nguồn nước đổ về từ thượng lưu.
Khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn và khô hạn, tác động lớn đến
sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân cư. Do đó, nghiên cứu về nguồn nước và diễn biến xâm nhập mặn gần như là điều bắt buộc có
các hoạt động nghiên cứu liên quan tới phát triển thủy lợi, phục vụ phát triển các ngành sản xuất. Hiện nay, hệ thống đập tạm
chủ yếu do người dân tự xây dựng, vận hành và tháo dỡ, gây tốn kém và tiềm ẩn nhiều bất cập như bồi lắng kênh mương, tốn nhiều
công sức và chi phí.
Chính vì thế, cần có các nghiên cứu để đề xuất giải pháp xây dựng đập tạm tiên tiến, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên
và kinh tế xã hội của vùng. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng và khai thác đập
tạm vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô hạn” với mã số ĐTĐL CN-09/24 được
cho phép thực hiện với lý do nêu trên.
Đề tài có mục tiêu chung là:
- Đánh giá thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển đập tạm phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ven biển ĐBSCL.
- Đề xuất giải pháp khả thi về vị trí, công nghệ xây dựng và khai thác đập tạm hiệu quả trong mùa khô hạn.
Mục tiêu cụ thể của đề tài gồm:
- Xác định các vị trí phù hợp để xây dựng đập tạm.
- Đề xuất các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xây dựng đập tạm hiệu quả.
- Đánh giá tác động và khả năng ứng dụng thực tiễn của các giải pháp.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, các nội dung chính cần thực hiện gồm:
- Điều tra, đánh giá thực trạng hệ thống đập tạm và các yếu tố liên quan như sử dụng đất, địa hình, địa chất,
thủy văn, xâm nhập mặn.
- Xác định tiêu chí lựa chọn vị trí xây dựng mô hình thực nghiệm.
- Thi công mô hình thực nghiệm và nghiên cứu giải pháp tháo dỡ phục vụ tái sử dụng.
- Đánh giá diễn biến nguồn nước, tính phù hợp và khả năng áp dụng của đập tạm.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ thi công, vận hành và bảo dưỡng đập tạm.
Sản phẩm của đề tài cần đạt được gồm:
- Báo cáo đánh giá thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển đập tạm.
- Báo cáo luận chứng khoa học và thực tiễn về vị trí, công nghệ, hình thức xây dựng đập tạm.
- Giải pháp xây dựng và quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống đập tạm.
- Thí điểm xây dựng một công trình đập tạm trên hệ thống sông, kênh.
- Hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng giải pháp công nghệ, kỹ thuật xây dựng đập tạm.
- 2-3 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín.
- Hỗ trợ đào tạo một học viên sau đại học.
Đề tài này do nhóm nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam
thực hiện trong khoảng thời gian 36 tháng từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 12 năm 2027.
Nghiên cứu này mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, góp phần đưa ra giải pháp bền vững trong việc xây dựng
và vận hành đập tạm tại vùng ven biển ĐBSCL. Nhóm nghiên cứu mong nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ từ các cơ quan,
đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Thay mặt nhóm nghiên cứu
Chủ nhiệm đề tài
Đỗ Đức Dũng